Kinh doanh đặc sản vùng miền: Làm giàu từ hương vị quê hương
Trong thời gian gần đây, kinh doanh đặc sản vùng miền đang là mô hình được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Các loại đặc sản vùng miền mang đậm hương vị truyền thống, tươi ngon nhưng vẫn đậm chất riêng đặc biệt thu hút với những người dân xa quê hay các khu đô thị lớn. Nếu bạn đang có sẵn một số vốn trong tay và mong muốn đặc sản địa phương mình được nhiều người biết đến để góp phần phát triển quê hương mình thì bạn nên chọn ý tưởng kinh doanh đặc sản vùng miền này nhé.
Thị trường kinh doanh đặc sản vùng miền hiện nay
Đặc sản có thể được hiểu là những sản phẩm, sản vật, hàng hóa (thường là nông sản) có xuất xứ và mang dấu ấn riêng biệt, đặc trưng của vùng miền, địa phương. Các món ăn đặc sản vùng miền ngày càng lên ngôi, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện nay, số lượng các cửa hàng kinh doanh đặc sản vùng miền “mọc lên” ngày càng nhiều, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… Có rất nhiều khách hàng sành ăn tại các thành phố lớn muốn thưởng thức hương vị vùng miền ngay tại nhà mà không cần phải đi du lịch. Hoặc khách du lịch muốn mua đặc sản mang về để ăn hoặc làm quà tặng, biếu. Do đó, việc kinh doanh đặc sản địa phương là một ý tưởng tuyệt vời cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp với số vốn ít, lợi nhuận cao và góp phần quảng bá đặc sản cũng như làm giàu cho quê hương.
Những sản phẩm đặc sản vùng miền đang được ưa chuộng
Mỗi vùng miền sẽ có những loại đặc sản khác nhau, khi lựa chọn kinh doanh mặt hàng này, bạn cần phải biết cách tìm kiếm những sản phẩm mà người tiêu dùng đang tìm kiếm hiện nay. Một số loại đặc sản vùng miền được yêu thích hiện nay có thể kể đến như:
Xem thêm: Mô hình làm giàu từ nông nghiệp chưa bao giờ dễ dàng như bây giờ
Bánh đậu xanh Hải Dương
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thương hiệu bánh đậu xanh được sản xuất ở các vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, bánh đậu xanh Hải Dương vẫn là một đặc sản rất nổi tiếng được nhiều người biết đến. Bánh đậu xanh Hải Dương được làm từ bột đậu xanh, đường, dầu ăn và tinh dầu hoa bưởi.
Các nguyên liệu này đều được chọn lọc cẩn thận và chế biến theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Giúp đảm bảo hương vị nguyên chất của bánh. Bánh đậu thường được thưởng thức khi dùng với nước chè. Sẽ tạo nên hương vị đậm đà, thanh ngọt, khiến cho người ăn có cảm giác thư thái.
Quan trọng hơn, việc có mặt trên các thị trường khó tính như: Nhật Bản, các nước châu Âu, Trung Quốc… đã mở ra cơ hội vươn xa cho sản phẩm truyền thống của Hải Dương. Đây cũng là cách giúp người dân Hải Dương làm giàu từ chính những đặc sản của quê hương mình.
Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)
Từ nhiều năm nay, thương hiệu vải thiều Lục Ngạn đã nổi tiếng khắp trong vào ngoài nước nhờ chất lượng quả vải ngon, thơm, ngọt nổi trội. Vải thiều có chứa rất nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe phải kể đến như: Vitamin C, thành phần Flavonoid chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch ngăn ngừa sự hình thành của tế bào ung thư và quá trình thoái hóa của cơ thể...
Hiện nay, có gần 200 tấn vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã xuất sang các nước: Mỹ, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Canada và Nhật Bản. Sản phẩm vải thiều bảo đảm chất lượng, số lượng, tiêu thụ tăng và được giá từ tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con Bắc Giang cũng như những ai đang kinh doanh đặc sản này.
Nhãn lồng Hưng Yên
Nhắc đến việc kinh doanh các đặc sản vùng miền bạn không thể không nhắc đến nhãn lồng Hưng Yên. Đây là vùng trồng nhãn lớn với hơn 3.500 ha bao gồm các nhóm giống nhãn đặc sản như: nhãn đường phèn, nhãn hương chi, nhãn cùi, nhãn chín muộn Khoái Châu... và nhãn lồng - đặc sản vang danh trong và ngoài nước.
Nhãn lồng Hưng Yên hiện nay đã có mặt trên khắp các tỉnh thành cả nước cũng như xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước như Mỹ hay EU. Hiện đã có hàng trăm doanh nghiệp, thương nhân phân phối đã ký hợp đồng mua nhãn Hưng Yên. Người trồng cây nhãn lồng Hưng Yên đang rất phấn khởi vì sản phẩm nhãn được xuất khẩu đi nhiều thị trường trong và ngoài nước, mở ra cơ hội kinh doanh, làm giàu cho bà con nơi đây.
Chè Shan Tuyết, Ô Long, Tân Cương
Các loại chè Shan Tuyết, Ô Long, Tân Cương... là những loại trà thuần mộc ngon bậc nhất của Việt Nam được lòng người sành trà thế giới, xuất khẩu ra nhiều thị trường. Nhập nhiều nhất là Pakistan, sau đến Trung Quốc, Nga, Indonesia, Anh, Đức, Mỹ, Bỉ..
Hầu hết các đồi chè được bà con trồng theo mô hình VietGAP. Thuốc trừ sâu hóa học gần như được loại bỏ hoàn toàn và thay thế bằng sản phẩm sinh học. Búp chè tươi phải trải qua 16 công đoạn và 32 giờ chế biến để tạo nên thành phẩm thơm ngon, đậm đà.
Các đặc sản vùng miền khác
Ngoài các sản phẩm kể trên, bạn cũng có thể tham khảo kinh doanh các loại đặc sản vùng miền khác như: tôm chua Huế, nem chua Thanh Hóa, nước mắm Phú Quốc, bưởi Đoan Hùng, Xoài cát Hòa Lộc, Cát Chu ( Đồng Tháp), Chôm chôm Java (Vĩnh Long),Thịt trâu gác bếp, Hồ tiêu Phú Quốc… Tùy thuộc vào nguồn hàng cũng như số vốn hiện có mà bạn nên lựa chọn những sản phẩm phù hợp để kinh doanh nhé.
Kinh nghiệm kinh doanh đặc sản vùng miền
Cũng giống như các hình thức kinh doanh khác, khi lựa chọn kinh doanh đặc sản vùng miền, bạn cần chú ý những vấn đề sau:
Xem thêm: Kinh nghiệm mở cửa hàng thực phẩm sạch
Nghiên cứu thị trường
Hãy xem khách hàng đang thực sự muốn và thích món ăn đặc sản vùng miền như thế nào để từ đó bạn có thể xác định mình sẽ bán cái gì. Nên bán sản phẩm độc, lạ, mới nhưng cũng cần lưu ý có những sản phẩm quá đặc trưng mà khách du lịch không thực sự thích hoặc tỉ lệ ưa thích chưa cao thì không nên chọn.
Bạn cũng cần khảo sát xem mức sống người dân quanh đó như thế nào, doanh số tiềm năng có khả quan hay không? Sản phẩm đó tiêu thụ nhanh hay chậm, giá cả thế nào để từ đó lập cho mình kế hoạch kinh doanh cụ thể để không bỏ sót một đối tượng khách hàng nào hết.
Nguồn hàng cung ứng
Bạn nên đến tận địa phương vùng miền đó tìm kiếm và thử các sản phẩm mà mình muốn kinh doanh chọn cho mình nguồn hàng đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý. Đồng thời xây dựng niềm tin với nhà cung cấp. Nếu lựa chọn đặc sản quê mình hoặc tỉnh khác nhưng có người quen thì dễ dàng rồi, chỉ cần nhờ bố mẹ người thân dẫn mối đi mua và chọn hàng, vừa an tâm chỗ nhập hàng chất lượng lại cắt giảm được thời gian đi lại, giá cả tốt hơn.
Quảng cáo, tiếp thị
Để có thể kinh doanh có lời, bạn cần xây dựng một kế hoạch marketing bài bản, tổ chức các chương trình khuyến mãi, tặng quà, bán hàng theo combo, giảm giá, freeship,... để thu hút khách hàng. Bạn cũng có thể sử dụng các kênh bán hàng online để bán hàng cũng như quảng bá thương hiệu như: mạng xã hội, website, trang thương mại trực tuyến…
Vận chuyển đặc sản vùng miền
Vấn đề rất đáng được quan tâm bởi tùy vào khoảng cách địa lý và loại hàng hóa mà cần có những biện pháp để vận chuyển an toàn nhất. Khi kinh doanh đặc sản vùng miền là thực phẩm, việc bảo quản vô cùng quan trọng để đảm bảo độ tươi ngon, hợp vệ sinh đến tay người tiêu dùng.
Với những mặt hàng như hải sản phải được đông lạnh và di chuyển nhanh; mặt hàng trái cây phải được xếp cẩn thận tránh dập nát, lưu ý đến nhiệt độ khi di chuyển. Còn kinh doanh mặt hàng dễ vỡ như gốm, dễ móp méo như mây tre đan, dễ hư hại như đồ lưu niệm gỗ, … thì phải cẩn trọng khi bọc lót, sắp xếp, tránh rơi vỡ.
Lời kết
Hiện nay có rất nhiều người thành công nhờ kinh doanh đặc sản vùng miền. Đây là một hướng đi đúng, cơ hội làm giàu cho những ai biết tận dụng những sản phẩm địa phương. Hy vọng những thông tin chia sẻ từ bài viết trên đây hữu ích với bạn. Phần mềm quản lý bán hàng Salekit chúc bạn kinh doanh thành công.